Kết hôn với người nước ngoài: Đừng để về nước là mất tăm
VHO- Nguyễn Vân H (22 tuổi, Hà Nội) trong một lần đi du lịch tại Quảng Nam đã quen và yêu một người đàn ông Hàn Quốc 32 tuổi. Yêu nhau hơn hai năm thì hai người tiến tới hôn nhân và có đăng ký kết hôn tại Hà Nội với bản cam kết độc thân của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Tưởng chừng hạnh phúc như thế là viên mãn với cặp vợ chồng trẻ, nhưng bất hạnh đến với người vợ khi người chồng về nước.
Cần tìm hiểu kỹ nhân thân, nơi ở thường trú của người nước ngoài mình kết hôn để tránh rắc rối về thủ tục pháp lý sau này (Ảnh minh họa)
H chỉ biết chồng mình làm dự án cho một doanh nghiệp điện tử có trụ sở đặt tại Mỹ Đình (Hà Nội). Một năm sau ngày cưới, người chồng kết thúc dự án trở về quê hương. H sống một mình tại Việt Nam (hai vợ chồng chưa có con) càng chờ đợi thì càng bặt vô âm tín, người chồng đã cắt đứt mọi liên lạc. H đã đến công ty của chồng tại Việt Nam tìm sự giúp đỡ thì doanh nghiệp này đã chuyển đi. Lúc này H nhớ ra rằng, suốt thời gian yêu và cưới nhau, cô chưa bao giờ sang Hàn Quốc, chưa đến thăm gia đình chồng, chỉ duy nhất một lần bố mẹ chồng cô sang Việt Nam chơi.
Sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm, kết nối với người chồng Hàn Quốc không có kết quả. Lúc này, Nguyễn Vân H tìm tới luật sư để hỗ trợ giải quyết việc ly hôn với một cầu nối duy nhất là địa phương - nơi mà bố mẹ chồng cô sang chơi từng nói gia đình ở đó. Luật sư Lê Minh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội, Công ty TNHH LLA và cộng sự) bảo vệ quyền lợi cho chị H cho biết, vì không có địa chỉ rõ ràng nên phải khoanh vùng địa bàn và tống đạt hồ sơ gửi tới cơ quan tư pháp cùng cấp của vùng đó. Nếu đúng hay sai thì cơ quan bên đó sẽ phản hồi. Trong vòng một năm, nếu không có phản hồi về hỗ trợ tư pháp từ Hàn Quốc thì lúc này tại phiên tòa ly hôn, tòa sẽ tuyên bố bị đơn vắng mặt và không có quyền trong vụ án ly hôn này. “Mặc dù hồ sơ đã được gửi đi nhưng tôi vẫn chưa được phản hồi, vẫn đang chờ đợi để đầy đủ thủ tục để có thể ly hôn”, Nguyễn Vân H chia sẻ.
Một trường hợp khác là Phan Thị M (32 tuổi, Hải Phòng) cũng đang làm thủ tục và tìm cách ly hôn với người chồng Nhật Bản (53 tuổi) của mình. Khác với Nguyễn Vân H, cuộc hôn nhân của chị M không có tình yêu mà có mục đích rõ ràng. M buôn bán hàng tiêu dùng Nhật Bản nên muốn kết hôn với người đàn ông bản địa để được nhập quốc tịch Nhật Bản, giúp cô đi lại dễ dàng giữa hai nước. Việc đăng ký kết hôn được thực hiện nhanh chóng tại Việt Nam với thỏa thuận chi phí cho người chồng Nhật là 70 triệu đồng. Theo thỏa thuận, chi phí này bao gồm cả việc ly hôn sau một thời gian M được nhập quốc tịch Nhật Bản. Sau khi được nhập quốc tịch, Phan Thị M không sống cùng chồng và cũng không biết địa chỉ của người chồng trên giấy tờ của mình ở đâu mà chủ yếu trao đổi với nhau trên mạng. Hết thời gian quy định của luật pháp Nhật Bản (khoảng 3 năm sau khi hai người kết hôn) M nộp thủ tục ly hôn với người chồng “hờ” tại cơ quan chức năng ở Việt Nam, nhưng lúc này M mới biết việc tiến hành ly dị là không dễ vì không biết địa chỉ thực của chồng. Mặc dù vẫn nói chuyện qua điện thoại, chat qua mạng xã hội, nhưng chồng của M tỏ ra không hợp tác và đưa ra điều kiện muốn đòi hỏi thêm một khoản tiền tương đương với số tiền nhận được khi kết hôn.
“Giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa ký kết hợp tác tư pháp nên hai bên không có sự ủy thác tư pháp, không có sự hỗ trợ liên quan đến công tác giải quyết pháp luật và tư pháp như tống đạt giấy tờ, điều tra, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định... Do đó, hồ sơ ly hôn được gửi qua đường bưu điện tới địa phương mà người chồng sinh sống nhưng đến nay gần một năm trôi qua tôi vẫn không nhận được phản hồi từ cơ quan tư pháp Nhật Bản”, chị M chia sẻ.
Theo luật sư Lê Minh Đức, trước những khó khăn trong công tác giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn hướng dẫn giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ. Khi đó, nếu thông qua thân nhân của họ mà không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án, gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án, thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Cũng theo luật sư Đức, khi kết hôn với người nước ngoài cần phải xác định được chủ thể mình kết hôn là ai, quê quán, nơi sinh, nghề nghiệp ở đâu và cần có sự xác thực của chính quyền sở tại, có thể chính thống hoặc không chính thống như hoá đơn tiền điện, hoá đơn thanh toán thẻ… “Không nên tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn khi chưa đủ các yếu tố trên. Bởi khi xác định được nơi cư trú thì lúc ly hôn hoặc thực hiện những việc liên quan đến pháp lý thì hồ sơ sẽ được gửi tới cơ quan tố tụng cùng cấp một cách dễ dàng hơn. Tránh tình trạng, không xác định được địa chỉ cư trú nên gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết pháp luật, mất thời gian và thiệt thòi cho nguyên đơn”, luật sư Lê Minh Đức chia sẻ.
QUỲNH HOA